Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm do giá tăng

 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay, tuy nhiên với tình hình giá go tăng trong thời gian gần đây, rất có thể Việt Nam sẽ mất nhiều đơn hàng từ quốc gia này.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong quý I năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam với 50% lượng gạo xuất khẩu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2016, để đáp ưng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo.

xuat-khau-gao-viet-nam-sang-trung-quoc-giam

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm do giá tăng.

Theo báo cáo của VFA, trong quý I năm 2016, lượng gạo mà Việt Nam đã xuất khẩu đạt 1,43 triệu tấn với doanh thu hơn 577 USD (giá FOB-giao tại mạn tàu), tăng gần 58% về lượng và hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu báo cáo từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ngày 14/4, giá gạo trên thị trường của Việt Nam từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 01/2016 liên tục tăng mạnh, loại gạo 5% tấm đạt mức giá 375 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan khoảng 30 USD/tấn.

Đến cuối tháng o2/2016, giá gạo giảm nhẹ và dao động trong khoảng 355-360 USD/tấn, thấp hơn giá gạo Thái Lan một chút. Tuy nhiên đến tháng 3, giá gạo tăng trở lại và đạt mức 375-380 USD/tấn. Lý do khiến giá gạo trong tháng 3 tăng là do ảnh hưởng của hạn hán và ngập mặn làm sản lượng gạo giảm, một phần khác là do các doanh nghiệp thu mua để giao hàng cho các hợp đồng đã ký trước đó.

Trong 3 năm gần đây, Trung Quốc liên tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên với việc giá gạo của Việt Nam hiện nay cao hơn giá gạo Thái Lan rất có thể sẽ ảnh hưởng đến lượng đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc bởi các doanh nghiệp nước này có thể sẽ tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác với giá rẻ hơn. Theo đó, VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 2 có thể sẽ giảm còn 1,6 triệu tấn, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.

Nguồn: TBKTSG.