Thu nhập nửa triệu mỗi ngày nhờ nuôi vịt sinh sản

Tin Nông nghip Vit Nam – Nhờ mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, mỗi ngày ông gia đình ông Toàn ở xã Khai Thái – huyện Phú Xuyên thu về nửa triệu nhờ đàn vịt đẻ trứng.

Nội dung

Khu hồ rộng hơn 2ha nằm cạnh bờ hữu sông Hồng thuộc xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội là “đại bản doanh” của ông Nguyễn Đức Toàn. Ông Toàn đang đi thuyền dưới ao xua lũ vịt về chuồng. Đàn vịt trắng bốp như thiên nga ung dung bơi lội trên hồ mặc sự sốt ruột của ông Toàn.

Ông dùng loa tay đuổi vịt, rồi gõ thuyền, quang bẹ chuối… mới đuổi được đám vịt dồn về một góc ao. “Cái giống vịt chuẩn bị đẻ này ẩm ương lắm. Nuôi chúng là vất vả nhất giai đoạn này” – ông Toàn vừa tung thóc cho đám vịt ăn, vừa than thở. Trong khi ở hồ bên cạnh, đám vịt đã đẻ trứng thì ngoan ngoãn ăn thóc. Nhìn đàn vịt đã yên ổn đội hình đâu vào đó, ông Toàn mới thong thả đi về phía lều.

Thu nhập nửa triệu mỗi ngày nhờ nuôi vịt sinh sản

Ông Toàn đang đi thuyền dưới ao xua lũ vịt về chuồng.

Một thời long đong lận đận.

Là một trong những tấm gương làm giàu nhờ chăn nuôi vịt, đã có nhà cao cửa rộng với mức thu nhập khủng ở thôn quê, nhưng ông Toàn chưa hài lòng. Ông vẫn tiếc rẻ, đồng đất quê hương hào phóng lắm. Chỉ tiếc là những người sử dụng nó chưa đánh thức hết được tiềm năng của đất. Giờ ông đã có tuổi, sức có hạn, nhìn bà con bỏ ruộng, bỏ đất mà ông như đứt từng khúc ruột. Ngẫm lại suốt hành trình cày sâu, cuốc bẫm, đời ông cũng trải qua không ít lận đận.

Ông sinh năm 1963, trong một gia đình có 4 anh em. Ông là con út lại là con trai nên được gia đình chiều từ nhỏ. Cụ thân sinh ra ông làm nghề thổi bóng đèn, nay đây mai đó cũng kiếm được chút lưng vốn. So với những trai tráng trong thôn, ông Toàn thuộc diện “công tử”. Năm 18 tuổi, ông cũng xung phong đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, với ý chí là đời trai phải nay đây mai đó, tiếc là khi đó thể trạng của ông không đủ tiêu chuẩn đăng lính.

Đời cũng chẳng ai lường được chữ ngờ, đang lúc trà dư tửu hậu, ông lại tự “lái” đời mình vào chỗ bi kịch. Ấy là cuối những năm 80 của thế kỉ trước, phong trào “hụi, họ” ở vùng chiêm trũng phát triển như vũ bão. Nhà nhà gom góp tiền vào chơi “họ”. Ông Toàn vốn là người khá giả cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Với bản tính nhanh nhạy, ông lao vào “hụi, họ” như con thiêu thân.

Giữa lúc làm ăn lên như diều gặp gió, thì đời ông cũng bắt đầu xuống dốc không phanh khi phong trào “hụi họ” đổ sập dây chuyền. Bao của nả, bao dự định mà ông tưởng như sắp cận kề bỗng trôi ra biển lớn. Ông bán hết cả cơ nghiệp không đủ tiền trả nợ. Ông trắng tay. “Khi tôi sực tỉnh mọi chuyện đã muộn. Tôi trở nên bơ vơ giữa dòng đời… Tôi chẳng bao giờ nghĩ đời mình sẽ vực dậy được một lần nữa” – ông Toàn chua chát nói.

Giữa lúc khốn cùng đó, tiền hết, nợ mang, một nách mấy đứa con, tưởng như vợ chồng ông phải vác bị đi ăn mày, ông lại nghĩ đến đồng đất quê mình. Quê hương đã bao bọc và nuôi ông khôn lớn, giờ tuy trắng tay nhưng còn đôi bàn tay và khối óc dám nghĩ dám làm. Như một người sực tỉnh cơm mê, ông quyết tâm sẽ làm ăn chân chính và khai thác “vàng” từ chính đồng đất quê mình.

Thu nhập nửa triệu mỗi ngày nhờ nuôi vịt sinh sản 2

Đàn vịt nhà ông Toàn.

Làm giàu nhờ chăn nuôi vịt

Năm tháng dần qua, cái cách đánh thức đồng đất của ông chẳng ai buồn để ý. Nhiều người dè bỉu, cho ông là gàn, dở hơi sau cú ngã ngựa “hụi họ”. Người nói ra, người nói vào, ông bỏ ngoài tai, ngày ngày cố gắng kiến thiết, bắt những diện tích bỏ hoang của xã phải sinh sôi ra tiền. Mỗi năm qua đi, ông lại tích góp thêm lưng vốn, mở rộng sản xuất. Mồ hôi của vợ chồng ông đổ xuống đã làm ruộng đồng tỉnh giấc.

Từ vài chục con vịt ban đầu, ông có cả một đàn vịt. Thùng đào, ao, rãnh của cả xã Khai Thái được phủ kín bởi màu xanh của sen. Đồng đất không phụ lòng người, vào mùa hoa sen nở, mỗi ngày vợ chồng ông hái được cả nghìn bông mang bán, thu lãi cả triệu đồng. Sen tàn là lúc thu cá, thu lúa… Có năm ông thu đôi trăm triệu từ diện tích bỏ hoang đó.

Sau hơn chục năm, mọi người mới nhìn ra cách kiếm tiền không giống ai của vợ chồng ông Toàn. Khi đó, kẻ nhòm, kẻ ngó, diện tích mà ông thầu năm xưa trở thành “miếng chín” giữa làng. Nhiều người nhảy vào thầu lại, ông buồn nhất là xã không cho vợ chồng ông làm tiếp. Trong khi đó, do quá nhiều người nhòm ngó, cái mỏ “vàng” bao năm gây dựng lại bị bỏ hoang hóa. Ông lại thở dài tiếc rẻ. Hết phương tiện sản xuất lại khiến cái đầu ông phải nghĩ ra cách làm khác.

Chi phí sản xuất giảm nhờ đưa máy móc vào làm ruộng.

Một sự thật phũ phàng mà chính ông Toàn cũng phải công nhận là những năm gần đây làm ruộng không có lãi. Ngay trong giai đoạn đó, ông đã sắm mấy đầu máy gạch để đóng thuê cho các chủ lò ngoài bãi.

Ông làm gì cũng giỏi và cũng có cái ăn, nhưng cái tấm lòng đau đáu về ruộng đất quê hương lại thôi thúc ông phải làm một việc gì đó. Nhiều đêm trằn trọc, khó ngủ, ông nhớ lại cái lần xem ti vi, 1 nông dân ở nước ngoài có thể làm cả 100ha đất. Muốn làm ruộng có lãi phải đưa máy móc vào ruộng đồng. Sẵn có tiền trong tay, ông mua máy cày, máy gặt rồi máy cấy. Công cuộc đưa công nghiệp vào nông nghiệp của ông đã thành công mĩ mãn.

Riêng nhà ông nhận thầu 3 mẫu ruộng, ngoài ra ông còn nhận cày bừa, cấy, thu hoạch cho cả xã. Bà con vui như bắt được vàng, vì nhờ có cái máy của ông Toàn mà bà con không bỏ hoang ruộng đồng nữa, chi phí sản xuất giảm một nửa. Nhờ kế hoạch này mà ông nhận được rất nhiều bằng khen của chính quyền địa phương.

Trong khi công cuộc cơ giới hóa đã thành công, đất ngoài bãi sông Hồng đã bị các chủ lò cày xới một cách không thương tiếc. Ông đã mạnh dạn đề đạt với xã thầu lại toàn bộ vùng đất ngoài bãi. Và tất nhiên, xã đồng ý giao ngay cái diện tích đó cho ông Toàn.

Sau nhiều năm cải tạo, giờ khu đất 2ha này ngày nào cũng “đẻ” ra tiền. Suốt hành trình gian khó gắn bó với ruộng, vườn, ông Toàn luôn biết ơn đất và vẫn ngày ngày tất bật với máy cày, máy cấy, máy gặt. Về nhà là lại vội ra ao chăn đàn vịt, đàn cá. Ông làm cứ như ngày mai không còn được làm nữa vậy.

Nguồn: Danviet.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *