Tại sao Thái Lan quyết định bán tháo hơn 11 triệu tấn gạo?

(Nông nghiệp thế giới) – Chính Phủ Thái Lan mới đây đã ra công bố kế hoạch bán tháo 11,4 triệu tấn gạo dự trữ khiến dư luận hoài nghi. Liệu đây có phải là một quyết định điên rồ? Lý do nào khiến Chính phủ nước này đưa ra quyết định như vậy trong thời điểm hiện tại?

Vào thời điểm năm 2011, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, chiếm lĩnh đến 30% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu thay đổi khi cựu Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra đưa ra chương trình mua trữ lúa gạo, theo đó chính phủ sẽ mua gạo của nông dân với giá cao hơn 50% so với giá thị trường.

Tại sao Thái Lan quyết định bán tháo hơn 11 triệu tấn gạo?

Quyết định xả kho gạo của Thái Lan khiến dư luận nghi ngờ.

Theo lý giải của bà Yingluck, cách này sẽ giúp tầng lớp lao động trung bình, trong đó có 40% lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp, tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, việc chính phủ thu mua gạo sẽ tạo ra một đợt khan hiếm nguồn cung, qua đó người Thái có thể đẩy giá gạo lên cao hơn nhằm thu lời nhiều hơn.

Nhưng giá lúa gạo đã không tăng như nước này dự kiến, trong khi các đối thủ xuất khẩu chính là Ấn Độ và Việt Nam lại tăng lượng xuất khẩu và giảm giá. Những điều này đã khiến hàng triệu tấn gạo mà chính phủ Thái đã mua phải nằm lại trong kho dự trữ mà không được bán ra. Thái Lan chính thức mất vị trí đứng đầu các quốc gia xuất khẩu gạo vào tay Ấn Độ và ôm một số lượng gạo dự trữ khổng lồ. Bà Yingluck cũng mất chức.

Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Prayut Chan-ocha cùng chính phủ của ông đã chấm dứt chương trình dự trữ lúa gạo dưới thời bà Yingluck và thậm chí còn đưa ra quyết định bán tháo 11,4 triệu tấn gạo trong vòng 2 tháng để thu về 100 tỷ baht.

Quyết định bán tháo gạo này khi được công bố đã nhận phải không ít hoài nghi, nhưng có vẻ đây là một quyết định hợp lý. Trong thời điểm này, hiện tượng El Nino đang gây ra tình trạng hạn hán ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, khiến đất canh tác tại những quốc gia này bị tàn phá. Đây chính là thời điểm thích hợp để chính phủ Thái có thể giải quyết kho dự trữ của mình.

Theo Deutsche Bank, ngoài giúp giải quyết được số gạo tồn, quyết định bán tháo còn giúp Thái Lan giành lại thị phần từ tay các đối thủ vốn là những quốc gia đang phải cắt giảm lượng gạo xuất khẩu vì hạn hán.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với kế hoạch bán tháo gạo, lượng gạo tồn kho của Thái Lan sẽ giảm 50%, xuống còn 5,2 triệu tấn trong năm 2016.

Theo Business Insider/ Một thế giới.

Được Sưu tầm bởi các Dược sĩ  Cao đẳng Y dược TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *