Điểm mặt những hậu quả “không ngờ” khi người dân không tiêm phòng vắc xin cho gia cầm tại Thanh Hóa

Ngoài dịch bệnh do virus Corona thì dịch cúm gia cầm cũng đang hoành hành nhiều tỉnh thành trên cả nước để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nội dung

Thanh Hóa đã tiêu hủy hàng vạn gia cầm và hàng ngàn con lợn

Thanh Hóa đã tiêu hủy hàng vạn gia cầm và hàng ngàn con lợn

Theo nguồn tin tức nông nghiệp, dịch cúm A/H5N6 xuất hiện tại xã Tân Khang (huyện Nông Cống) từ ngày 3/2. Đến ngày 19/2 đã có trên 5 nghìn con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gần 51 nghìn con gia cầm của 36 hộ chăn nuôi, 13 thôn, 9 xã, 5 huyện. Riêng huyện Nông Cống có 30 hộ chăn nuôi thuộc 8 thôn, 4 xã có gia cầm nhiễm bệnh, làm trên 2,1 nghìn con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy trên 41 nghìn con gia cầm.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi & Thú y Thanh Hóa, các ổ dịch phát sinh do hộ chăn nuôi mua giống gia cầm trôi nổi; không tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Các đàn gia cầm đã tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm thì khỏe mạnh, mẫu giám sát các đàn này âm tính với bệnh cúm gia cầm. Trên đàn thủy cầm tại các địa phương có dịch, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm tương đối cao: Cúm A/H5N1 là 1,19%, cúm A/H5N6 là 1,82%. Nông Cống, Quảng Xương là những địa phương vùng trũng thấp, nhiều sông, nhiều kênh, nhiều ao hồ cũng là đơn vị có số lượng vịt chạy đồng, thả trên sông rất lớn; gặp thời tiết khắc nghiệt, mưa, lạnh, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm và tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi chưa áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…

Về dịch tả lợn châu Phi, Thanh Hóa phải tiêu hủy trên 214 nghìn con lợn với trọng lượng gần 14,4 nghìn tấn. Đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản lắng xuống. Với việc 22/27 huyện, thị, TP, thị xã công bố hết dịch và không tái dịch, từ cuối tháng 10/2019 đến nay, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn được 89,5 nghìn con lợn. Ngoài ra các cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện tái đàn.

Tiếp cận vắc xin tiêm phòng đầy đủ cho gia cầm và gia súc

Tiếp cận vắc xin tiêm phòng đầy đủ cho gia cầm và gia súc

Theo thống kê, đến nay, tại các ổ dịch, Thanh Hóa đã tiêm phòng bao vây được 529.000 liều vắc xin cúm gia cầm; các đơn vị ngoài vùng dịch tiêm được trên 4,5 triệu liều; Công ty CP, Japfa, Phú Gia… tiêm 1,8 triệu liều. Nếu tính cả 2 triệu liều Bộ NN-PTNT hỗ trợ trước Tết Nguyên đán Canh Tý thì toàn tỉnh đã tiêm phòng được trên 6,8 triệu liều.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp cho các huyện 9,5 nghìn lít hóa chất sát trùng; 14 tấn vôi, 350 nghìn bộ quần áo để thực hiện bao vây dập dịch. Ngoài ra, các địa phương cũng trích kinh phí mua vôi rải ở các tuyến đường chính. Các địa phương đều lập chốt kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sở NN-PTNT Thanh Hóa phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc công tác bao vây ổ dịch tại các ổ dịch.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa cũng khuyến cáo cần có phương án để cung ứng vắc xin cho người chăn nuôi và quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển con giống; quản lý chặt các loại vắc xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Điều này sẽ có thể hạn chế được nguy cơ dịch bệnh, tránh lây lan sang con người.

Việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin đã được minh chứng hạn chế nguy cơ dịch bệnh ở cả con người và động vật. Vì thế để nâng cao sức khỏe động vật nuôi, người dân cần tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin Bộ Nông nghiệp khuyến cáo, đồng thời thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch bệnh.

Tổng hợp – yhoccotruyenvn.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *