Làm giàu nhờ chăn nuôi và trồng dược liệu

Trồng cây dược liệu là thế mạnh của huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), trong những năm gần đây, trồng cây dược liệu và chăn nuôi đã giúp người dân từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Nội dung

Tận dụng thế mạnh trồng cây dược liệu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Lệnh Thế Hội cho biết: “huyện đề ra hơn 10 chính sách hỗ trợ trong 2 lĩnh vực chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa. Đa phần chính sách này được xây dựng dựa trên các chương trình, chính sách của T.Ư và của tỉnh. Tuy nhiên, có nhiều chính sách huyện Quản Bạ đã căn cứ theo thực tế của địa phương và đổi mới phương thức hỗ trợ với mức hỗ trợ cao hơn các chính sách đã và đang được T.Ư, tỉnh triển khai”.

Làm giàu nhờ trồng cây dược liệu và chăn nuôi

Trồng cây dược liệu là thế mạnh của Quản Bạ.

Trồng cây dược liệu vốn là thế mạnh của Quản Bạ. Nhiều loại dược liệu, huyện đã áp dụng mức đầu tư thấp nhất là 10 triệu đồng/ha, diện tích trồng tập trung tối thiểu là 1ha. Trong khi đó, mức hỗ trợ theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh với tất cả các loại cây dược liệu nói chung, mức tối đa là 2 triệu đồng/ha, quy mô trồng tập trung tối thiểu 3ha trở lên.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quản Bạ Phạm Ngọc Pha cho biết, đối với các loại cây dược liệu mức đầu tư thấp nhất cũng phải từ 20 triệu đồng/ha trở lên. Với mức hỗ trợ như của tỉnh ban hành thì khó tạo động lực cho người dân phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, điều kiện đi kèm tối thiểu 3 ha trở lên cũng rất khó đối với các hộ gia đình. Vì vậy, với những chính sách hỗ trợ của huyện sẽ giúp người dân mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.

Anh Lý Tà Dèn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Nặm Đăm (xã Nặm Đăm) cho biết, năm 2013 và 2014, HTX của anh chỉ trồng hơn 3 ha cây dược liệu các loại, nhưng năm 2015, với cơ chế hỗ trợ mới của huyện, tổng số diện tích trồng dược liệu của HTX lên khoảng 8ha. Nếu cơ chế hỗ trợ này thực hiện lâu dài, chắc chắn chúng tôi sẽ còn trồng thêm nhiều diện tích nữa.

Nhiều đổi mới trong chính sách hỗ trợ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ chăn nuôi của Quản Bạ cũng có nhiều nét mới. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Mức hỗ trợ của huyện Quản Bạ cho 1ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ là 18,6 triệu đồng. Số tiền này nhằm mục đích hỗ trợ người dân mua lương thực trong 1 vụ ngô không sản xuất trong năm, tránh tình trạng thiếu đói trong thời gian đầu chuyển đổi. Chính sách này được người dân rất đồng tình.

Ông Lê Thanh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, hiện nay, được sự đầu tư của Sở Tài chính, xã đã tiếp tục đưa mô hình nuôi dê nhốt chuồng đến cho người dân. Bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Một số hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ mô hình này.

Hiện nay, thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ đang phối hợp với Chương trình hỗ trợ dự án của huyện đưa vào 2 mô hình gà xương đen. Bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Qua chăn nuôi thử nghiệm giống gà mới này cho thấy, gà xương đen thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và phương thức chăn nuôi bán chăn thả của người dân địa phương, giống gà xương đen có sức đề kháng tốt, giá gà thương phẩm cũng cao hơn giá gà bản địa từ 20 – 30 nghìn đồng/kg. Chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình giống gà này trên địa bàn.

Với những thành tựu đã đạt được và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm khoảng từ 5 – 7% hộ nghèo trên đất nghèo Quản Bạ là có thể.

Nguồn: Báo Thanh tra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *