“Thủy triều đỏ” là cụm từ liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây và là thủ phạm của rất nhiều vụ cá chết hàng loạt trên thế giới. Vậy hiện tượng thủy triều đỏ là gì, nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ là do đâu?
Nội dung
Hiện tượng thủy triều đỏ là gì?
Thủy triều đỏ hay còn có tên gọi khác là sự “nở hoa” của tảo dùng để chỉ hiện tượng bùng nổ số lượng tảo biển, tức là tảo sinh sản với tốc độ cực nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi như nhiệt độ tăng, ô nhiễm môi trường…. Sự bùng nổ này khiến cho nước biển đổi màu chuyển thành màu đỏ hoặc màu xám, màu xanh, màu cám gạo…
Thủy triều đỏ có thể không làm đổi màu nước biển khi mà lượng tảo tích tụ với mật độ không quá dày.
Hiện tượng thủy triều đỏ đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Tác hại của hiện tượng thủy triều đỏ.
Hiện tượng thủy triều đỏ có thể kèm theo việc sản sinh các độc tố tự nhiên tùy vào loại tảo, lượng oxy trong nước giảm và kèm theo rất nhiều tác hại khác. Hiện tượng này còn được các nhà khoa học gọi với cái tên là “hiện tượng tảo nở hoa độc hại” (HBA).
HBA chính là nguyên nhân gây ra các vụ động vật biển, các loài cá chết hàng loạt trước đây ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada. Hiện tượng này cũng được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của gần 36 tấn cá ở Hong Kong vào cuối năm ngoái.
Ngoài ra, nếu con người ăn phải cá biển, các loài sinh vật biển bị nhiễm độc tố sẽ rất có hại cho sức khỏe. Chẳng hạn như loại tảo Karenia brevis, khi bùng nổ có thể khiến gây ho, hắt hơi, dị ứng mắt và đặc biệt nguy hiểm đối với những người có bệnh hô hấp nặng. Năm 2013, đã có 2 người tử vong do ăn phải sinh vật biển bị nhiễm độc sau vụ thủy triều đỏ tai bờ biển đảo Borneo.
Thủy triều đỏ là nguyên nhân của nhiều vụ cá chết hàng loạt trên thế giới.
Tuy nhiên không phải sự “nở hoa” của tảo biển nào cũng gây hại. Với một số loại tảo là có lợi khi chúng là thức ăn cho các loài vật sống dưới biển.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ.
Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện hoàn toàn tự nhiên, các mầm mống của tảo có trong nước biển khi gặp điều kiện thuận lợi như ô nhiễm môi trường, trao đổi nước kém hoặc nhiệt độ nước biển tăng… sẽ bùng phát với số lượng cực lớn.
Ngoài ra, việc thải quá nhiều chất dinh dưỡng như Nitrat, phốt phát từ các hoạt động nông nghiệp hoặc hiện tượng nước trồi cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thủy triều đỏ.
Một yếu tố khác cũng góp phần gây ra hiện tượng thủy triều đỏ là bụi giàu sắt từ các vùng sa mạc rộng lớn.
Hiện tượng El Nino cũng được coi là có liên quan đến một số lần thủy triều đỏ ở Thái Bình Dương.