(Tin Nông nghiệp) – Tại Hà Tĩnh và Nghệ An, thời tiết nắng mưa xen kẽ trong những ngày gần đây đã tạo điều kiện cho dịch rầy bùng phát và gây hại cho nhiều diện tích lúa.
Nội dung
Dịch rầy hại lúa bùng phát.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian qua dịch rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quế Phong… Mật độ rầy trung bình 200 – 300 con/m2, nơi cao 700 – 1.000 con/m2 ở các xã Diễn An, Diễn Tân, Diễn Lộc, Diễn Thọ… (Diễn Châu), cá biệt một số điểm cục bộ 2.000 – 3.000 con/m2, trên các giống lúa nếp tại xóm 13 xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) đã có cháy cục bộ điểm nhỏ.
Dịch rầy hại lúa bùng phát.
Tại Hà Tĩnh, mật độ rầy lưng trắng phổ biến từ 300 – 500 con/m2 ở các xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa, Cẩm Thịnh, nơi cao 2.000 – 3.000 con/m2, ổ dịch cục bộ 5.000 – 7.000 con/m2 ở xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên), các xã Đức Lạc, Đức An (Đức Thọ), xã Thạch Văn (Thạch Hà). Tổng diện tích nhiễm khoảng 129 ha (Cẩm Xuyên 8 ha, Thạch Hà 25 ha, Đức Thọ 12 ha, Hồng Lĩnh 3 ha…).
Tình trạng cháy rầy cuối vụ hàng năm thường diễn ra nhiều địa phương, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng lúa. Nguyên nhân cháy rầy bên cạnh yếu tố khách quan như diễn biến thời tiết bất lợi, giống nhiễm rầy… thì chủ yếu do các yếu tố chủ quan trong các biện pháp phòng trừ.
Nguyên nhân khiến dịch bùng phát.
Việc dùng các loại thuốc trừ sâu không chọn lọc ngay từ đầu vụ, đã làm giảm đáng kể mật độ các loài thiên địch của rầy nâu, rầy lưng trắng. Điều này làm gia tăng mật độ rầy cuối vụ cùng với việc phát hiện muộn, phòng trừ khi mật độ đã quá cao, nên hiệu quả thấp.
Một vấn đề tồn tại nữa là duy trì quan điểm sai làm là không sử dụng thuốc nội hấp sau giai đoạn đòng – trỗ vì lý do khả năng nội hấp lưu dẫn kém.
Dù thực tế đối với bất kỳ loại thuốc nội hấp lưu dẫn nào, chỉ cần bộ lá cây trồng còn xanh là còn tác dụng. Tuy nhiên, áp dụng các dòng thuốc tiếp xúc chỉ tiêu diệt được những con rầy tiếp xúc với thuốc, khi phun phải rẽ lúa và không phòng trừ được các lứa rầy nở ra 5 – 7 ngày sau từ các ổ trứng trong bẹ lá. Nên nông dân phải phun đi phun lại nhiều lần.
Biện pháp phòng trừ dịch rầy hại lúa.
Hiện cây lúa đang giai đoạn đòng trỗ, trà sớm đã trỗ từ 1 – 6/5, trà muộn trỗ sau 10/5, cùng với điều kiện thời tiết nóng ẩm, nguy cơ bùng phát dịch rầy và cháy rầy cuối vụ rất cao.
Để phòng trừ rầy hiệu quả và hạn chế nguy cơ cháy rầy cuối vụ, cần thực hiện tốt các công tác sau:
– Bám sát thông báo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thường xuyên kiểm tra thăm đồng, tối thiểu 5 – 7 ngày 1 lần, để kiểm tra rầy và xác định mật độ.
– Chú ý ở các ruộng sâu trũng, xanh mướt, ruộng có tiền sử nhiễm rầy các vụ trước và các ruộng gieo cấy giống nhiễm như các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao…
– Phun phòng trừ khi mật độ rầy trên 500 – 700 con/m2. Trong các trường hợp mật độ dưới 500 con/m2 nhưng nếu điều tra thấy nhiều rầy chửa (bụng to béo, di chuyển chậm), và trên bẹ lá lúa có nhiều vết rách thâm nhỏ chưa khô (ổ trứng rầy – mỗi ổ có 15 – 30 trứng). Hoặc nhiều rầy cánh ngắn, thì cũng nên phòng trừ vì nguy cơ bùng phát dịch cao.
– Do đặc điểm rầy thường gối lứa, nghĩa là trên ruộng có nhiều pha phát dục khác nhau cùng lúc như trứng và rầy các tuổi. Vì vậy để phòng trừ hiệu quả và giảm số lần phun nên lựa chọn các dòng thuốc nội hấp, lưu dẫn, xử lý khi lá lúa vẫn còn màu xanh. Nếu lá lúa đã chuyển màu (đỏ đuôi) thì nên sử dụng các dòng tiếp xúc, xông hơi và bắt buộc phải rẽ lúa.
– Có thể sử dụng để phòng trừ rầy như Chess 50WP, Actara 25WG, Alika 247ZC, Cyo Super 200 WP, Fidur 220EC, Victory 300EC, Bassa 50EC…
– Các thuốc nội hấp lưu dẫn hiệu quả cao trong phòng trừ rầy như Chess 50WG (300gr/ha), Actar 25WG (80gr/ha), Alika 247ZC (200ml/ha),… Cần đảm bảo lượng nước phun từ 400 – 600 lít/ha, tương đương với 20 – 30 lít/sào Trung bộ, 15 – 22 lít/sào Bắc bộ, 40-60 lít/công Nam bộ….
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Được Sưu tầm bởi các Dược sĩ Cao đẳng Y dược TPHCM