Bình Phước: hàng ngàn ha trồng tiêu thiệt hại do hạn hán

Đợt hạn hán lịch sử kéo dài khiến hàng ngàn ha trồng tiêu và điều ở Bình Phước bị thiệt hại do hạn hán, nhân dân đang tìm mọi cách để cứu cây.

Nội dung

Hàng ngàn ha tiêu, điều thiệt hại do hạn hán.

Hiện tượng El Nino gây ra hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghip Vit Nam. Tại xã Lộc Thành, nhiều hộ nông dân trồng tiêu đã buông tay thật sự. Họ không còn sức người sức của để cứu cây. Nằm trên đồi cao, hơn một nửa rẫy tiêu của ông Đoàn Mạnh Hùng giờ đã chuyển sang màu xám tro. Hàng loạt những nọc tiêu san sát nhau đã héo khô hoàn toàn. Theo ông Hùng, nếu muốn cứu rẫy tiêu này, ông phải đầu tư 70 triệu tiền ống và máy hút công suất lớn để dẫn nước từ hồ Tà Tê, cách xa trên 2km, về tưới. Điều đó vượt quá khả năng kinh tế của gia đình ông.

 Hàng ngàn ha trồng tiêu thiệt hại do hạn hán

Người dân phải đào những hố sâu để lấy nước.

Anh Trần Hoài Nam (tổ 4, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh) đang miệt mài khoan giếng bên rẫy tiêu. Dưới cái nắng chói chang, hàng ngàn trụ tiêu đang xuội lá úa dần. Trong khi đó, đây đã là cái giếng thứ 5 nhưng nước vẫn chưa xuất hiện. Thời gian qua, để cứu cho tiêu không chết khô, anh Nam phải thuê xe chở nước từ cách xa hàng cây số về tưới. Chi phí cho việc này rất tốn kém, mỗi một ngày tưới tiêu đã tốn mất 6 triệu đồng. Đã thế, anh Nam còn phải mua nước để mồi cho giàn khoan, mỗi ngày cũng mất 1,2 triệu đồng.

Là “đại gia” trồng tiêu nổi tiếng vùng Lộc Ninh với thu hoạch trên chục tấn mỗi vụ mùa, nhưng giờ thì ông Ngô Quý Cheo cũng không kham nổi chi phí tiền nước. Ông Cheo có tất thảy gần 10 ngàn nọc tiêu thì hơn 4 ngàn nọc đã bị héo. Nắng hạn cũng khiến sản lượng tiêu hạt giảm mất 80%, khiến điều kiện kinh tế gia đình này càng khó khăn hơn.

Một loại cây công nghiệp chủ lực khác của Bình Phước, là cây điều, cũng chịu tác động nặng nề của hạn hán. Dù cây không chết bởi thiếu nước như tiêu, nhưng vụ điều năm nay gần như đã mất trắng. Lẽ ra, đây đã là thời điểm điều rộ trái và vào mùa thu hoạch, nhưng năm nay thì chẳng có gì trên cành để hái.

Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Hạn hán khiến nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tại trụ sở ấp Bà Ven, xã Lộc Khánh, hàng chục người lớn, thanh niên và trẻ nhỏ sắp hàng hứng nước. Cách đây mấy ngày, chính quyền địa phương đã đầu tư một bồn chứa nước 4 ngàn lít để cứu trợ cho dân quanh vùng. Do nhu cầu ngày càng lớn của bà con, xã phải cho lắp thêm một bồn tương tự và khoan thêm giếng để đề phòng nguy cơ hết nước sinh hoạt.

Hạn hán khiến nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Hạn hán khiến nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Theo rà soát của UBND huyện Lộc Ninh, địa bàn này đã có trên 20 ngàn dân thiếu nước sinh hoạt; gần 1.300 gia súc thiếu nước uống (trong đó đã có 6 con trâu, bò chết khát). Để khẩn cấp đối phó với tình hình này, huyện đã chi 1,5 tỉ đồng từ quỹ phòng chống thiên tai để tổ chức khoan giếng công nghiệp có độ sâu ngoài 100 mét và thuê xe bồn vận chuyển nước sạch hàng ngày đến các điểm dân cư.

“Huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ 6 tỉ đồng để khoan thêm 40 giếng cho 40 cụm dân cư thiếu nước. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao tình hình hạn hán để kịp thời ứng phó. Đối với cây trồng, với dự báo từ bên khí tượng thủy văn là khoảng 2 tháng nữa mới có mưa, thì thiệt hại là rất khó lường”- ông Hồ Quang Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Ninh, cho biết.

Nguồn : Cao đẳng Y Dược Pasteur

Comments are closed.