Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong quý I/2016 sụt giảm nghiêm trọng kéo theo GDP quý I/2016 chỉ đạt 5,6%. Vậy giải pháp nào cho nông nghiệp Việt Nam thời kỳ hạn hán?
Nội dung
- Hạn hán khốc liệt – nông dân bất lực nhìn bò đói trơ xương.
- Hướng dẫn nông dân cách ứng phó với hạn hán – nhiễm mặn.
Nông nghiệp “lao đao” vì hạn hán.
Trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trong 3 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam bị thiệt hại nặng nề. Nhiều diện tích lúa và cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất trắng vì hạn hán, hàng nghìn con bò ở Tây Nguyên chỉ còn da bọc xương vì thiếu thức ăn và nước uống, nhiều sông suối, hồ thủy điện bị khô cạn… Thời tiết bất lợi khiến cho nhiều vùng chăn nuôi, trồng trọt gặp vô vàn khó khăn.
Cuộc sống người dân gặp vô vàn khó khăn vì hạn hán.
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam trong quý I giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó nông nghiệp giảm 2,5%. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I chỉ đạt 5,6%, không được như mong đợi trước đó.
Với 70% dân số sống bằng nghề nông nghiệp thì những diễn biến bất lợi của thời tiết đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của nước ta.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, cần phải có giải pháp kịp thời để cứu vãn sản xuất nông nghiệp, nếu không Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,6% trong năm 2016.
Giải pháp tập trung cho nông nghiệp.
Để từng bước khắc phục khó khăn cho ngành nông nghiệp trong nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như tập trung chỉ đạo điều chỉnh lịch gieo giống phù hợp, bảo vệ cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên, tập trung vào chăn nuôi, thủy sản, phấn đấu để đạt chỉ tiêu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Dồn sức cho nông nghiệp được xem là giải pháp trước mắt để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2016.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề xuất hỗ trợ kinh phí gần 538 tỉ đồng để đẩy mạnh tiến độ xây dựng một số công trình cấp bách cứu hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách một số thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp phát triển.
Tính đến nay, Chính phủ cũng đã trích 523,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho 34 địa phương khắc phục những hậu quả do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Các ngân hàng cũng đã vào cuộc xem xét kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp và người dân.
Các giải pháp được Bộ NN&PTNT đưa ra kỳ vọng sẽ góp phần giúp sản xuất nông nghiệp vượt qua được các khó khăn trước mắt, đồng thời tìm ra những giải pháp lâu dài để nông nghiệp Việt Nam thích nghi trong điều kiện mới.
Tổng hợp từ Báo điện tử Petrotimes.
Comments are closed.