Ngô ngọt là loài cây có khả năng thích nghi rộng với kỹ thuật trồng không khó. Bà con có thể tham khảo kỹ thuật trồng ngô ngọt sau đây để thu được năng suất cao.
Nội dung
Đặc điểm của cây ngô ngọt.
Ngô ngọt là loài cây có thể trồng được quanh năm, thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 65-85 ngày), khả năng kháng bệnh cao. Chiều cao trung bình của cây ngô ngọt khoảng 2-2,2m, đóng bắp ở vị trí thấp nên có khả năng chống đỡ tốt.
Ngô ngọt là loại cây lương thực có giá trị dinh dưỡng cao
Năng suất ngô ngọt trung bình trên 1 sào Bắc bộ khoảng 650-800kg. Trong nông nghiệp Việt Nam, bên cạnh thu hái bắp làm lương thực, thân và lá của cây ngô ngọt còn được dùng để làm thức ăn xanh giàu dinh dưỡng cho trâu bò.
Kỹ thuật trồng cây ngô ngọt.
– Đất trồng ngô ngọt.
Đất trồng càng màu mỡ thì ngô ngọt càng cho năng suất cao. Lưu ý nên trồng ở nơi không bị ngập úng, gần nguồn nước để thuận tiện cho việc tưới nước.
Trước khi trồng cần cày sâu khoảng 18-20 cm, bừa phẳng, làm sạch cỏ dại và lên luống.
– Cách gieo hạt.
Tùy thuộc vào thời vụ và độ màu mỡ của đất mà điều chỉnh mật độ gieo trồng phù hợp. Trung bình nên trồng với mật độ 1600-1800 cây/sào Bắc Bộ. Khoảng cách giữa các cây khoảng 25x30cm, khoảng cách hàng 65-70 cm.
Bà con gieo hạt sâu xuống khoảng 2-2,5 cm, mỗi lỗ 1 hạt, có thể gieo hạt trực tiếp xuống hoặc ngâm ủ trước khi gieo cho nhanh mọc. Sau khi gieo cần tưới nước đủ ẩm cho cây. Chú ý cần đề phòng kiến.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô ngọt.
Cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho ngô ngọt sau khi gieo hạt.
Cách chăm sóc ngô ngọt cũng giống như những giống ngô khác. Tránh để ngô bị mất khoảng, nên trồng thêm ra ngoài để trồng thay thế vào những chỗ cây ngô không mọc.
Khi cây ra bắp cần tỉa bớt bắp 2, mỗi cây chỉ để lại 1 bắp để chúng phát triển.
Tưới nước:
Nước có vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của ngô ngọt. Khi mới gieo hạt cần đảm bảo độ ẩm đất khoảng 50%, khi cây phát triển khoảng 3-4 lá cần tưới nước để giữ độ ẩm cho đất. Bà con cũng có thể pha loãng phân vào nước để tưới cho cây. Khi cây được 7-8 lá cần đảm bảo độ ẩm 70%.
Khi cây xoắn loa kèn và bón thúc lần cuối cần tiến hành tưới nước để cây đóng bắp và ra hạt.
Hạt ngô căng đều và có màu cam là lúc ngô có thể thu hoạch.
Bón phân:
– Bà con bón lót bằng chuồng hoai mục khoảng 500kg/sào. Lượng phân lân bón khoảng 12-15kg/sào. Phân đạm 3-4kg/sào.
– Bón thúc: Trong quá trình sinh trưởng của ngô ngọt cần bón thúc 3 lần, lượng phân bón tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất đai và tập quán của địa phương.
– Lần 1: Khi ngô ngọt được 3-4 lá bà con bón 3kg N + 2kg K/sào;
– Lần 2: Khi ngô ngọt được 7-8 lá, bà con bón 3kg N + 2 kg K/sào;
– Lần 3: Khi ngô ngọt được 10-11 lá, bón 3 kg N/sào.
Những ruộng đất chua (pH=4,5) bà con cần bón lót vào rãnh hay hốc 30-40kg vôi bột/sào.
Phòng trừ sâu bệnh: Cách phòng trừ sâu bệnh cho ngô ngọt như các giống ngô khác. Cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Thời gian thu hoạch ngô ngọt.
Khi hạt ngô căng đều và có màu cam, râu hơi héo thì bà con tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch của ngô ngọt rất ngắn so với giống ngô thông thường. Bà con nên thu hoạch ngay trong 2-3 ngày.
Nguồn: Tư vấn kỹ thuật trồng trọt.