Vào mùa mưa, phần lớn người dân Lý Sơn dừng hết các hoạt động đi biển đánh bắt hải sản mà chuyển sang làm những nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.
Nghề tay trái của cánh đàn ông.
Tình cờ chúng tôi gặp anh Phạm Duẫn, thôn Đông, xã An Vĩnh trên cùng chuyến tàu cao tốc vào đất liền với “tay xách, nách mang” một mớ hành lý. Sau khi tìm hiểu, được biết, anh khăn gói vào miền Nam để kiếm việc làm thêm trong những tháng không đi biển. Anh Duẫn chia sẻ: “Những ngày biển động tàu, thuyền không đi biển, anh em tìm công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Người ở quê làm phụ hồ, chạy xe thồ chở hành, trồng tỏi, người đi miền Nam thì làm các việc khác. Như vậy mới có tiền lo Tết”.
Mùa mưa, nhiều phụ nữ ở Lý Sơn kiếm thêm thu nhập nhờ nghề may lưới thuê.
Anh Dương Ngọc cũng là bạn đồng hành với anh Duẫn trong đợt hành phương Nam này. “Giờ là mùa mưa, ở quê hết việc rồi, nên nhiều anh em rủ lên Gia Lai để phụ hái cà phê cho người thân kiếm thêm đồng ra, đồng vào phụ vợ con. Làm hết tháng chạp về quê ăn Tết”, anh Ngọc tiếp lời.
Khác với anh Duẫn, anh Ngọc, cha con ông Trương Bá Hồ (65 tuổi), Trương Bá Thuận (27 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh vẫn “bám trụ” ở đất đảo để làm một số nghề “tay trái” kiếm thêm thu nhập hằng ngày. “Tuy những tháng ngày không đi đánh bắt xa, nhưng cha con tôi vẫn thả lưới gần bờ nên cũng có thêm thu nhập. Ngoài ra, mấy đứa con còn đi làm phụ hồ, chạy xe chở đất, chở hành cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Mấy nghề này mới đầu làm không quen, nhưng làm miết cũng thành thạo”, ông Hồ cho biết.
Chị em phụ nữ vá lưới, trồng tỏi, thu hoạch hành
Mùa mưa ở Lý Sơn cũng là lúc kết thúc vụ hành cũ và bắt đầu mùa tỏi mới, vì thế đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều chị em trên huyện đảo. Hằng ngày, một người phụ nữ đi nhổ hành, trồng tỏi thuê cũng có thể kiếm từ 150 – 200 nghìn đồng, giúp họ có thêm một nguồn thu nhập để lo cuộc sống hằng ngày. “Ngày nào cũng có người gọi đi trồng tỏi, cắt hành, chăm chỉ làm cũng kiếm từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Chị em nào có việc cũng gọi thêm các chị em khác cùng đi làm, nên không sợ thất nghiệp”, chị Nguyễn Thị Hợp, thôn Đồng Hộ, xã An Hải chia sẻ.
Khác với chị Hợp, hằng ngày, chị Trương Thị Ân và hơn 20 chị em khác của xóm Đình, thôn Tây, xã An Vĩnh có được thu nhập nhờ việc vá lưới thuê cho các chủ tàu. Theo chị Ân, sau mỗi chuyến đi biển về, các chủ tàu mang lưới bị rách, thủng vào rồi thuê người vá. Các chị lại có thêm việc làm trong những tháng ngày nhàn rỗi. Bình quân, cứ một tấn lưới thì cần trên 10 người để phụ vá, nên rất nhiều chị em được thuê để làm công việc này. “Không chỉ một chủ mà có nhiều chủ thuê người vá lưới, nên nhờ đó mình cũng kiếm thêm nguồn thu nhập. Họ trả công cho mình từ 140 – 160 nghìn đồng/ngày. Chịu khó làm, cũng có thu nhập để lo bữa ăn hằng ngày, lo sách vở cho con đến trường”, chị Ân vui vẻ nói.
Những ngày mưa, cuộc sống của người dân đất đảo trở nên khó khăn hơn. Tàu thuyền đánh bắt không được ra khơi, phương tiện vào đất liền cũng hiếm dần, các hoạt động du lịch cũng “đóng băng”, khiến cho việc làm ăn, thu nhập kinh tế của người dân cũng giảm sút. Tuy nhiên, đa số người dân ở đây tự tìm kiếm những việc làm thêm để có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày của gia đình mình.
Nguồn : Cao đẳng Y Dược Pasteur