Những năm gần đây việc xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao như thuỷ sản, rau quả,… đã bỏ xa mặt hàng gạo vốn dĩ được coi là nguồn chủ lực.
Nội dung
- Cơ hội tỏa sáng thời TPP nền nông nghiệp Việt Nam
- Du lịch nông nghiệp Việt Nam “cỗ máy” kiếm tiền cho người dân
- Những vấn đề nan giải của nền Nông nghiệp Việt Nam
Xuất khẩu gạo không còn là nguồn chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam
Xuất khẩu gạo không còn là nguồn chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 12 năm 2017, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước tính đạt 3,13 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 là 32,1 tỷ USD.
Đây cũng được xem là mức kỷ lục mới của ngành nông nghiệp Việt Nam khi mà Chính phủ đề ra mục tiêu của năm 2017 là xuất khẩu 32-33 tỷ USD.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước tính đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu thuỷ sản ước tính đạt 8,32 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016 là 7,23 tỷ USD.
Năm 2017 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc chúng ta xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu như trước đây chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo lên hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ,…
Trong năm 2017 ngành đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc lên đến 8,32 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng lên 40,5%, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng 2,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng cũng ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao như: xuất khẩu cao su đạt 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2017 ước đạt 1,04 tỷ USD; hạt điều xuất khẩu đạt 3,52 tỷ USD tăng 23,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đánh giá cao kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh phải tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: thứ nhất, phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; thứ hai, đi sâu hơn vào công tác chế biến; thứ ba công tác mở rộng thị trường.
“Trong năm 2018 phải tiếp tục làm sâu sắc hơn, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt, đó là: phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến, mở rộng thị trường.
Chúng ta phải đi từ những tiền đề là các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại để định dạng vùng nguyên liệu để đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân thông qua các hợp tác xã kiểu mới, các trang trại… Cùng với đó, phải tập trung phát triển mạnh hơn về mặt thị trường, nhất là những thị trường mới, có tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiepvietnam.edu.vn