Mùa khô năm 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ đến sớm và khả năng xâm nhập mặn sẽ xảy ra. Trước tình trạng đó làm thế nào để cung cấp đủ nước cho nông nghiệp?
Mùa mưa lũ ở ĐBSCL sắp kết thúc. Nước trên hệ thống sông Cửu Long đang hạ thấp dần. Trước dự báo mùa khô năm 2017 tuy không khốc liệt như 2016, nhưng dòng chảy sông Cửu Long có thể thiếu hụt, hạn đến sớm và khả năng xâm nhập mặn xảy ra.
Công trình thủy lợi ở Sóc Trăng
Trước tình hình cấp thiết làm thế nào cung cấp đủ nước ngọt SX nông nghiệp trong mùa khô 2017, ngày 30/11, tại Sóc Trăng, lãnh đạo và chuyên viên các Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau tham dự Hội nghị hội đồng quản lý thủy lợi Quản lộ Phụng Hiệp (QL-PH), do Tổng cục Thủy lợi phối hợp Sở NN-PTNT Sóc Trăng tổ chức.
Năm 2016, hiện tượng El Nino gây hạn hán nghiêm trọng cho cả vùng ĐBSCL. Mùa mưa vào cuối tháng 5/2016, đến muộn hơn cùng kỳ 2015 và TBNN khoảng gần 1 tháng. Từ đầu mùa mưa đến gần cuối năm lượng mưa, diện mưa phân bổ không đều.
Do khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng các tỉnh ven biển trong vùng tác động đến SX nông nghiệp thuộc hệ thống Quản lộ Phụng Hiệp trên địa bàn 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bị thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Lê Tự Do, Giám đốc Ban chỉ đạo hệ thống thủy lợi QL-PH, cho biết: Tại Bạc Liêu, SX lúa ĐX 2016 bị thiệt hại trên 1.300 ha, trong đó thiệt hại từ 30-70% hơn 560 ha; vụ lúa HT thiệt hại 20 ha lúa… do mặn còn lại trên hệ thống kênh từ đầu mùa khô và lượng mưa đầu mùa mưa chưa đủ để rửa mặn, nông dân đã vội xuống giống.
Trong khi đó nuôi trồng thủy sản tuy thiệt hại hơn 1.500 ha nhưng nhờ khôi phục nuôi thâm canh và bán thâm canh nên cả năm thực hiện đạt và vượt kế hoạch cả về năng suất, sản lượng. Cũng nhờ có sự phối hợp giữa 3 tỉnh trong việc điều tiết, vận hành hệ thống cống vùng SX lúa tại Sóc Trăng và Cà Mau làm giảm và khống chế được độ mặn, giảm thiểu thiệt hại cho nhiều vùng đất lúa.
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính (giữa El Nino và La Nina) và hệ quả quá trình chuyển pha làm thời tiết nước ta cuối năm 2016, đầu năm 2017 khả năng mùa bão kết thúc muộn, gió mùa đông bắc sớm.
Khu vực ĐBSCL: Từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017 mưa giảm do bắt đầu vào mùa khô. Từ tháng 3 đến tháng 6 lượng mưa có khả năng thấp hơn TBNN. Trong suốt mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt so TBNN từ 15-30%, tương đương mùa khô năm 2014-2015, cao hơn 2015-2016. Mùa khô 2016-2017 có khả năng thuộc năm thủy văn dòng chảy nhỏ, do đó diễn biến mặn rất phức tạp và gay gắt, mặn xâm nhập sớm và kéo dài, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn so mùa khô 2015-2016.
Hiện nay bước vào SX năm 2017 trong vùng thuộc hệ thống QL-PH, tỉnh Bạc Liêu có kế hoạch SX lúa ĐX từ ngày 10/10 đến 20/10/2016, dự kiến thu hoạch từ 15 đến 25/1/2017 và vùng lúa luân canh trên đất tôm hơn 31.000 ha thu hoạch cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2017; nuôi trồng thủy sản khu vực chuyên tôm Bắc quốc lộ 1A với trên 32.000 ha thuộc thị xã Giá Rai và huyện Phước Long luôn có yêu cầu cung cấp nước mặn và gặp khó khăn.
Thời điểm thả giống từ tháng 12/2016 đến tháng 8/2017, không cho ảnh hưởng mặn đến diện tích lúa trên đất tôm. Ở tỉnh Sóc Trăng vụ lúa ĐX có hơn 61.100 ha, hiện đã xuống giống trên 26.000 ha và dự kiến thu hoạch từ tháng 2 đến cuối tháng 3/2016. Riêng tỉnh Cà Mau có hơn 24.000 ha lúa.
Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Hệ thống thủy lợi QL-PH đang triển khai kế hoạch phối hợp với các Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý công trình thủy lợi 3 tỉnh, vận hành hệ thống cống đập đồng bộ, trước mắt đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ SX vụ lúa ĐX đến kỳ thu hoạch thắng lợi.
+ Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:
“Đối với Sóc Trăng, hạn và xâm nhập mặn ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thiệt hại SX nông nghiệp trong mùa khô năm 2016 lên đến 31.000 ha, tổng thiệt hại gần 900 tỷ đồng. Qua theo dõi có 7 đợt xâm nhập mặn từ phía Bạc Liêu và TX Ngã Năm, độ mặn có thời điểm rất cao. Tỉnh cũng rất lo lắng tình hình hạn mặn năm 2017 và đã lên kế hoạch phòng chống hạn mặn trong 3 năm tới.
Tuy nhiên thông tin dự báo hạn mặn người dân chưa được nắm đầy đủ, vì vậy đề nghị các cơ quan chuyên môn, Tổng cục Thủy lợi có dự báo sát tình hình, nhất là xâm nhập mặn để các sở ngành trong tỉnh kịp thời chỉ đạo giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ SX.
Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các giải pháp hạn chế vấn đề xâm nhập mặn; sớm có đầu tư âu thuyền Ninh Quói ở Bạc Liêu, triển khai tạm một số cống ở Sóc Trăng, hỗ trợ Sóc Trăng xây dựng 2 tuyến kênh Ngã Năm, Phú Lộc.
+ Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi:
“Chúng ta phải lường trước được thời tiết bất thường, hạn hán, mặn xâm nhập mặn có thể xảy ra trong thời gian tới. Vùng ĐBSCL nguồn nước ngọt đóng vai trò quan trọng, cần chủ động các giải pháp giảm tác động do ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Đặc biệt khu vực thuộc hệ thống thủy lợi QL-PH mặn năm nào cũng có. Vì vậy chúng ta phải làm sao kiểm soát tốt. Trong năm 2017 mặn tuy không khốc liệt như năm 2016, nhưng vẫn nghiêm trọng hơn TBNN.
Từ tháng 2, 3 sẽ có xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn là thách thức, nhưng chúng ta phải biết biến thành lợi thế, điều tiết, vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi phù hợp, nhất là chú trọng vùng ranh giới mặn ngọt nên tập trung mô hình tôm lúa”.
+ Ông Lê Tự Do, Ban chỉ đạo hệ thống thủy lợi Quản lộ Phụng Hiệp:
Tổng lượng nước sông Mekong về ĐBSCL sẽ thiếu hụt, gây ảnh hưởng đến vụ lúa ĐX 2016-2017 trong toàn vùng. Trong khi hệ thống thủy lợi QL-PH phải cùng lúc phục vụ 3 đối tượng NTTS, SX lúa, vùng lúa-tôm. Do hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ khép kín nên còn ảnh hưởng do triều biển Tây, mặn xâm nhập từ Cà Mau lên vùng chuyển đổi SX Bạc Liêu.
Do đó tùy theo tình hình hạn hán và diễn biến xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo hệ thống thủy lợi QL-PH xây dựng lịch điều tiết nước, thông qua sự phối hợp với 3 tỉnh có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo cung cấp nước ngọt SX vụ ĐX.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam