Để khắc phục những vấn đề trên cây lúa do ảnh hưởng của mưa bão như lúa bị “tốt lốp” bà con cần áp dụng các biện pháp sau:
Nội dung
Cách phòng tránh sâu bệnh trên lúa do mưa bão.
Mùa mưa bão năm 2016 dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp, khi gặp bão sẽ xuất hiện mưa lớn cục bộ gây hiện tượng ngập úng tại các vùng trũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng vụ mùa, đặc biệt là trên cây lúa.
Hướng dẫn khắc phục lúa bị tốt lốp. (Ảnh sưu tầm).
Để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão đối với cây lúa (nhất là diện tích lúa bị “tốt lốp”), bà con cần chủ động ứng phó bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
Với các diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và chuẩn bị bước vào làm đòng (trên một số trà lúa mùa sớm) tập trung chăm sóc bón phân và phòng trừ sâu bệnh từ nay đến cuối vụ.
Bà con cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhất là diễn biến cơn bão để khi gặp mưa lớn phải nhanh chóng tiêu úng, khơi thông dòng chảy trên ruộng nhằm giúp cho cây lúa không bị ngập lâu làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây (thân cây ngập lâu ngày sẽ không còn khả năng phục hồi và bị chết gây thiệt hại cho nông nghiệp).
Cách xử lý lúa bị “tốt lốp” sau mưa bão.
-
Triệu chứng lúa bị “tốt lốp”.
Bà con thăm đồng quan sát kỹ thấy cây lúa có đặc điểm lá dài thượt và rối lá, các lá lúa đan xen nhau, khóm không gọn gàng, mật độ cây trong ruộng dày, ruộng không thông thoáng, thân cây mềm yếu.
-
Nguyên nhân lúa bị “tốt lốp”.
Hiện tượng lúa “tốt lốp” thường xảy ra tại các ruộng lúa chân đất vàn thấp ruộng trũng, hẩu, bón phân không cân đối, nhất là phân đạm (một số bà con nông dân thăm ruộng thấy lá lúa có biểu hiện màu vàng thường chủ quan chẩn đoán là bệnh vàng lá thiếu đạm nên bón bổ sung đạm hoặc tưới thêm nước biogas có chứa tỷ lệ đạm cao) làm cho lúa thừa dưỡng chất kéo dài thời gian sinh trưởng, chậm thành thục.
Ngoài ra khi ruộng lúa “tốt lốp” một số bà con nông dân tiến hành cắt, xén lá, không bón kali hoặc bón không đủ liều lượng làm cho thân cây mềm yếu dẫn đến bị đổ ngã, nhất là khi gặp thời tiết mưa bão, dễ bị sâu bệnh tấn công gây hại như bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn… làm giảm năng suất lúa, thậm chí không cho thu hoạch.
Cách xử lý lúa bị “tốt lốp” sau mưa bão. (Ảnh sưu tầm).
-
Biện pháp xử lý khi phát hiện lúa bị “tốt lốp”.
– Không nên cắt xén lá vì rất nhiều nguồn bệnh trên đồng ruộng khi gặp thời tiết mùa mưa bão sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn… tấn công xâm nhập và gây hại.
– Cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi các ruộng lúa bị “tốt lốp” để có biện pháp khắc phục kịp thời (tiêu úng, thoát nước tốt khi gặp mưa bão) nhất là các ruộng vàn thấp, ruộng trũng, hẩu để cây không bị đổ ngã.
– Bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali và các nguyên tố trung, vi lượng để cây sinh trưởng phát triển thuận lợi.
Cần bổ sung kali kịp thời ở các giai đoạn của cây lúa, nhất là giai đoạn bón thúc đón đòng để tăng khả năng chống chịu ngoại cảnh cho cây, nếu lúa tốt lốp không nên bón thêm đạm nhưng cần bón đủ lượng kali (thông thường khoảng 3 đến 4 kg/sào) để lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi.
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Khi phun thuốc BVTV cần tuần thủ theo hướng dẫn của cán bộ BVTV địa phương, không phun thuốc tràn lan hoặc theo phong trào nhằm hạn chế tác động tới môi trường, sâu bệnh gây hại ở cuối vụ (đặc biệt là rầy nâu).
Mặt khác hạn chế phun thuốc khi ruộng lúa đang trong quá trình trỗ, thụ phấn thụ tinh, nên phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
*Lưu ý:
Nên bón đủ lượng kali, bổ sung vi lượng cho lúa theo khuyến cáo hoặc hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp địa phương.
Nếu không bón kali (nhất là giai đoạn làm đòng) sẽ hạn chế quá trình tích lũy dinh dưỡng vào hạt dẫn đến tỷ lệ lép lửng cao, dễ phát sinh sâu bệnh hại làm giảm năng suất lúa….
Theo: Báo Nông nghiệp Việt Nam.