Theo báo cáo thống kê nông nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trao đổi về vấn đề này.
Nội dung
- Vải thiểu tăng giá gấp đôi khi vừa sang biên giới Trung Quốc.
- Hạn mặn khiến nông dân trắng tay – nông nghiệp tăng trưởng âm.
Ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Nguyên nhân khiến nông nghiệp sụt giảm.
Ông Hồ Xuân Hùng cho biết:
“Tôi rất hoan nghênh những đánh giá dám nhìn thẳng vào sự thật của Bộ NNPTNT. Việc âm 0,18% tuy chưa phải là nhiều nhưng thực sự là một điều đáng buồn. Tuy nhiên nhìn bức tranh không mấy vui vẻ đó chúng ta vẫn nhìn thấy những tia sáng tích cực của ngành, đó là thủy sản tuy khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng, chăn nuôi cũng rất khó khăn nhưng vẫn tăng, lâm nghiệp tăng, chỉ có trồng trọt là sụt giảm về sản lượng, diện tích nhưng vẫn tăng về mặt giá cả. Trong 6 tháng vừa qua, lĩnh vực chới với nhất, vật lộn vất vả nhất đó là chăn nuôi, nhưng rồi vẫn tăng.
Trong 6 tháng vừa qua có thể nhận thấy rằng nguyên nhân lớn nhất khiến cho trồng trọt sụt giảm là do biến đổi khí hậu bất thường quá mức, hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn nghiêm trọng, tuy nhiên trong cái khách quan đó vẫn còn có những chủ quan của con người.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Song dường như hiệu quả và tác động của các chính sách này chưa cao, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Về mặt chính sách tôi thấy có hai vấn đề: Thứ nhất, chính sách ban hành nhiều nhưng không có tiền triển khai. Thứ hai, thủ tục hành chính quá cồng kềnh. Ví dụ như chính sách hỗ trợ đất đai, các tỉnh không có tiền để giải phóng mặt bằng hỗ trợ doanh nghiệp hay như chính sách hỗ trợ người dân trồng lúa, để nông dân lấy được 1 triệu đồng/ha, thì phải trải qua thủ tục đến mười mấy khâu, phải lấy mười mấy chữ ký. Thủ tục hành chính quá nặng nề, thiếu tiền đã khiến cho hiệu lực hiệu quả chính sách cho nông nghiệp là rất thấp. Vì vậy, từ doanh nghiệp đến nông dân chưa mặn mà đầu tư lâu dài cho nông nghiệp.- Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành khá nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tuy nhiên khó khăn ở chỗ là chúng ta không có tiền để triển khai. Có những chính sách có tiền để triển khai nhưng để lấy được tiền hỗ trợ thì lại quá nhiều thủ tục hành chính, quá khó cho người dân.
Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm.
Nói như ông, đúng là chính sách nhiều, tràn lan nhưng hiệu quả kém. Vậy có nên thay đổi bằng cách hãy làm từ thực tế theo hướng chính sách nào thực sự khả thi mới ban hành, triển khai để tạo động lực cho người dân?
– Chúng ta không có nhiều tiền để đưa ra chính sách một cách tràn lan, vì vậy cần lựa chọn rà soát lại các chính sách, chọn một số chính sách hỗ trợ các đối tượng chủ lực trong phát triển nông nghiệp quốc gia. Tôi lấy ví dụ nước Malaysia trong chiến lược phát triển nông nghiệp họ chọn cây có dầu gồm cao su và cọ hay như Trung Quốc hỗ trợ 100% vốn cho 2 tỉnh tập trung phát triển cây tre.
Đối với Việt Nam cần rà soát lại chiến lược phát triển nông nghiệp từ đó định ra chính sách phát triển lâu dài. Ví dụ trong chăn nuôi, nếu chúng ta xác định phát triển bò sữa, hay bò thịt, gia cầm thì tập trung đầu tư vào đó; các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản cũng vậy.
Mặt khác, cần đi theo chính sách hỗ trợ là xây dựng chuỗi phát triển sản xuất, phải lựa chọn được đối tượng có khả năng lan tỏa và ảnh hưởng lớn nhất để đầu tư, từ đó đưa nông dân nhỏ thành nông dân lớn, hộ nông dân đơn lẻ thành những hộ nông dân trong chuỗi sản xuất. Phải xác định doanh nghiệp là đối tượng dẫn dắt chuỗi sản xuất, chúng ta cần tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò của mình.
Đầu tư cho nông nghiệp còn ít.
Trong những năm qua, mặc dù nông nghiệp đóng góp tới trên dưới 20% cho GDP đất nước, xuất khẩu tới trên 30 tỷ USD, song có vẻ nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn quá thấp, đây có phải nguyên nhân dẫn đến nông dân “kiệt sức”?
– Đến bây giờ, tổng nguồn lực xã hội đầu tư cho nông nghiệp chỉ có 6%, một con số quả nhỏ bé. Nhà nước phải đầu tư cho nông nghiệp tương đương với tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp cho GDP của đất nước, hiện nay nông nghiệp đóng góp 18-20% GDP cả nước, vậy nhưng thực tế đầu tư cho ngành thì thấp xa con số này. Hiện nay chỉ có hơn 1% số doanh nghiệp FDI đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam, con số đó cũng nói lên nhiều điều. Với một nền nông nghiệp hiệu quả thấp, rủi ro cao, doanh nghiệp FDI sẽ rất ngại đầu tư.
Do vậy, nếu chúng ta có các chính sách khuyến khích tạo điều kiện thực sự để các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI thì nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều. Cụ thể, cần chính sách tích tụ đất đai, chính sách huy động vốn và nguồn lực lao động có trình độ cao.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Danviet.