Giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT với hai đặc tính là chống chịu được thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất glyphosate và kháng sâu đục thân giúp nông dân dễ dàng quản lý sâu bệnh hại và cỏ dại, hiện đang được tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm.
Triển vọng phát triển ngô biến đổi gen tại tỉnh Thái Nguyên
Cây ngô được coi là một trong những cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên. Theo thống kê, hàng năm, năng suất ngô bình quân toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 4,2 tấn/ha. Sự xuất hiện của sản phẩm ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT với hai đặc tính là kháng sâu đục thân, chống chịu được thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate, giúp người dân dễ dàng quản lý sâu hại và cỏ dại, đã được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.
Giống ngô chuyển gen NK4300Bt/GT được Công ty Syngenta Việt Nam và Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đưa vào sản xuất trình diễn trong vụ hè thu 2016.
Bà Vũ Thị Tiến (xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai) cho biết, sau vụ đầu tiên trồng thử nghiệm vài sào thì liên tiếp mấy vụ vừa qua, gia đình bà đã chuyển toàn bộ 4 mẫu ngô sang giống chuyển gen NK4300 Bt/GT. Lý do là nếu cứ 1 kg hạt giống của những giống ngô trước đây chỉ thu hoạch được 4-5 tạ ngô, nay NK4300 Bt/GT lúc nào cũng cho năng suất 6 tạ ăn chắc.
Ưu điểm đặc biệt là NK4300 Bt/GT tốn rất ít công chăm sóc, giống không kén chọn, không khái tính mà phát triển rất nhanh. Cây to, cốt nhỏ, bắp to dài, hạt đá, dạng màu vàng cam rất hợp thị hiếu. Thân cây ngoài làm củi đun trong vụ đông, có thể sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi trâu, bò.
Vợ chồng ông Vũ Văn Sai (xóm Tân Tiến) có tới 60 sào ngô. Vụ này gia đình ông cũng chuyển hết sang sử dụng giống NK4300 Bt/GT. Việc chuyển, chọn sang giống ngô mới này được ông Sai lý giải là hạt giống ngô được xử lý mọc đều. Giống có khả năng chống sâu bệnh, sâu đục thân, kháng sâu bắp, sâu hạt rất tốt. Do giống này có khả năng kháng được thuốc trừ có nên người dân không mất công làm cỏ, không phải lên luống. Điều đó đã giúp cho 2 vợ chồng ông đủ sức làm tất cả 60 sào ngô mà không phải thuê nhân công.
Bà Nông Thị Lan (Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Võ Nhai) cho biết, năng suất trung bình của NK4300 Bt/GT đạt 7,56 tấn/ha so giống đối chứng chỉ đạt 6,58 tấn/ha. Rõ ràng áp lực sâu đục thân cao và sự cạnh tranh của cỏ dại là yếu tố làm giảm năng suất đáng kể trong sản xuất. Khi 2 yếu tố này được kiểm soát thì năng suất của giống được thể hiện. Mức tăng 14,9% giữa giống NK4300 Bt/GT so với đối chứng thực sự có ý nghĩa trong sản xuất.
Ngô chuyển gen với triển vọng phát triển mạnh tại Thái Nguyên
Mặt khác, tổng chi phí sản xuất cho ngô thường là 21,2 triệu đồng/ha, trong khi với ngô chuyển gen con số này chỉ là 19,2 triệu. Sự khác biệt ở đây đến chủ yếu từ chi phí cho quản lý cỏ dại. Với 1 lần phun thuốc và 1 lần làm cỏ tay đã dẫn đến việc tăng đáng kế chi phí sản xuất ở giống ngô thường so với việc chỉ phun Glyphosate 1 lần duy nhất ở giống ngô chuyển gen NK4300 Bt/GT.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên, cho rằng, việc ứng dụng giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT đã giúp giảm được nhân công và chi phí làm cỏ kết hợp với năng suất tăng vì thế đã hạ giá thành sản phẩm làm hiệu quả sản xuất ngô được nâng cao rõ rệt.
Theo thống kê từ mô hình trình diễn thì lợi nhuận thu được từ việc trồng giống ngô chuyển gen là 26,142 triệu đồng/ha. Trong khi đó với giống ngô thường là 18,248 triệu đồng/ha. Chênh lệch lợi nhuận giữa ngô chuyển gen và ngô thường là 7,894 triệu đồng/ha. Đây quả thực là một con số rất có ý nghĩa với bà con nông dân trồng ngô.
Chính vì vậy, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã khuyến khích và ủng hộ việc mở rộng diện tích, sản xuất ngô thương phẩm NK 4300 Bt/GT. Chi cục cũng đề xuất với cơ quan chức năng và UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có cơ chế hỗ trợ để bà con nông dân có điều kiện sử dụng rộng rãi giống ngô mới hiệu quả này.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.