Hiện tại vào thời điểm cuối năm, ngỗng trời thương phẩm tăng giá lên đến hơn 1 triệu đồng/kg nhưng các trang trại vẫn cháy hàng.
Công nhân đang kiểm tra chất lượng ngỗng trước khi xuất bán cho khách tại trang trại của anh Giáp. Ảnh: Hải Đăng
Anh Giáp, chủ trang trại Vườn chim Việt ở Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, hiện giá ngỗng trời thương phẩm tại trang trại đã lên đến trên 1 triệu đồng/kg song do khách đặt hàng nhiều, số lượng hàng lại có hạn, nên rất có thể đến cận Tết âm lịch dù giá ngỗng lên cao hơn nữa trang trại cũng không còn hàng để bán.
Lý giải về mức giá đắt đỏ của loại đặc sản này này, anh Giáp cho rằng: “Ngỗng trời tự nhiên ngày càng hiếm. Bên cạnh đó, chúng có đặc tính sinh sản rất ít. Mỗi năm, một con ngỗng mái chỉ đẻ từ 4 – 7 trứng. Tỉ lệ ấp thành công lại không cao như các giống khác. Đặc biệt, ngỗng được nuôi ở trang trại theo quy trình sạch nên thịt rất ngon, thơm, giàu đạm nên khách rất ưa chuộng”.
Theo anh Giáp, khách thích ăn ngỗng trời một phần cũng bởi loài ngỗng thương phẩm này thường có cân nặng từ 2 đến hơn 4kg rất phù hợp cho các gia đình, cơ quan trong buổi liên hoan, tổng kết cuối năm.
Anh Phương, một chủ trại gia cầm đặc sản ở Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện, tôi nuôi chủ yếu là giống ngỗng trời tự nhiên, đây là loài ngỗng có thịt chắc, hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn ngon nên cứ vào dịp cuối năm khách lại tấp nập gọi, đến đặt hàng, tiếp không xuể”.
Đàn ngỗng trời tại trại anh Phương (Vĩnh Phúc) đều đã có khách đặt hàng. Ảnh: Hải Đăng
Anh Phương cho biết thêm, hiện anh đang nuôi hơn 30 con ngỗng trời, trong đó có 20 con ngỗng thương phẩm đều đã được khách quen đặt hàng trên 1,5 triệu đồng/kg. “Đến thời điểm này, tôi còn nhận đơn hàng của một số khách quen nữa nên phải đi gom ngỗng ở một số trang trại khác trong và ngoài tỉnh nhưng cũng không có nhiều, dù giá ngỗng đã đẩy lên cao gấp đôi ngày thường” – anh Phương chia sẻ.
“Trong số các khách mua ngỗng của trại, có một khách là đại gia có tiếng ở tỉnh đặt mua ngỗng loại 1 trị giá lên đến gần 10 triệu đồng/con và thuê gia đình nuôi đến 20 tháng Chạp mới về bắt mang đi biếu Tết đối tác làm ăn” – anh Phương tiết lộ.
Nguồn: Dân Việt.