Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, mới đây hội thảo với chủ đề “Đào tạo khuyến nông trong các trường nông nghiệp”.đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) tổ chức.
Theo Tiến sỹ Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay cán bộ khuyến nông các cấp tăng về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Tuy nhiên chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở (cấp xã, thôn bản, xóm) còn thấp.
Để tìm và thống nhất các giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp với Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) tổ chức hội thảo với chủ đề “Đào tạo khuyến nông trong các trường nông nghiệp”.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo với sự tham gia của đại diện các trường đại học, cao đẳng đến từ 26 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đông đảo sinh viên ĐH Thái Nguyên.
Nhu cầu đào tạo lớn
Nội dung
Theo Tiến sỹ Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay cán bộ khuyến nông các cấp tăng về số lượng cũng như trình độ chuyên môn.
Tuy nhiên chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở (cấp xã, thôn bản, xóm) còn thấp và không đồng đều do chưa có quy định chung về tiêu chuẩn tuyển chọn và chế độ đãi ngộ. Cả nước còn khoảng 24% cán bộ khuyến nông cấp xã chưa đạt trình độ trung cấp chuyên môn và trên 55% cộng tác viên khuyến nông thôn, bản chưa qua đào tạo chuyên môn.
Hiện cả nước có trên 8.700 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm hơn 3,5% tổng số doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế của cả nước, số lượng lao động khoảng 380 nghìn người, dự báo trong giai đoạn 2017 – 2020, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp sẽ tăng thêm khoảng 10%/năm, vào khoảng trên 65 nghìn người.
Dự báo về nhu cầu đào tạo đối với hệ thống khuyến nông, Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa, Phòng Đào tạo Huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 20% số lượng cán bộ khuyến nông nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, tương đương với 5.600 cán bộ, do vậy, nhu cầu đào tạo mới đối với hệ thống khuyến nông sẽ là 5.000 người/năm chưa kể cán bộ tham gia đào tạo bồi dưỡng cho hệ thống.
Nguyện vọng thấp
Trong khi đó, thực tế cho thấy, số lượng sinh viên đăng ký vào học ngành khuyến nông tại các trường nông nghiệp ngày càng giảm sút, nguyên nhân được ông Phạm Quang Vinh, Chủ nhiệm Bộ môn Khuyến nông và Phát triển nông thôn (ĐH Lâm nghiệp) lý giải, một phần do quan niệm của xã hội và một phần do quảng bá ngành nghề của bộ môn chưa tốt; mặt khác còn do chủ trương của Bộ GD-ĐT, đơn cử như tại ĐH Lâm nghiệp năm học 2011-2012, Khoa Lâm học đã rà soát xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng dẫn của Bộ và theo danh mục đào tạo Quốc dân cấp IV, do vậy từ năm học 2011-2012 trở đi, Bộ môn Khuyến nông và Phát triển nông thôn chỉ còn quản lý ngành khuyến nông, mãi đến năm học 2015-2016, khuyến nông mới được giao nhiệm vụ quản lý thêm ngành khoa học cây trồng.
Đào tạo kỹ năng mềm để cán bộ khuyến nông dễ tiếp cận với thực tế công tác
Ngoài ra, một lý do nữa cũng được nhiều đại biểu đề cập tới, đó là hiện nay phụ cấp dành cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức nên sinh viên không thiết tha với ngành học này.
Xác nhận thực trạng của công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, đại diện các trường đào tạo nông nghiệp cũng như lãnh đạo đơn vị khuyến nông các cấp thống nhất, khuyến nông viên cơ sở không chỉ là cầu nối để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp cùng nông dân thực hiện những mô hình khuyến nông mới.
Thực tế cho thấy, cán bộ khuyến nông viên cơ sở có vai trò rất lớn trong phát triển nông nghiệp tại địa phương, ngoài hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, họ còn cùng chính quyền địa phương triển khai tốt lịch sản xuất, phát hiện kịp thời và khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh trên đối tượng nuôi, đồng thời kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể để dạy nghề cho nông dân.
Do vậy, ngoài việc đổi mới về cơ cấu và nguồn lực đầu tư cho khuyến nông, các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông địa phương và đầu tư kinh phí để tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Đối với các trường nông nghiệp, đặc biệt là bộ môn khuyến nông cần chú trọng đào tạo một số kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, quan sát, trình bày, lắng nghe, đưa và nhận thông tin phản hồi, phân tích thông tin, trực quan hóa thông tin… để cung cấp hành trang hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng cho kỹ sư ngành khuyến nông vững tâm phục vụ công tác khuyến nông miền núi, vùng sâu, vùng xa và khuyến nông cho người nghèo.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.