Nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi, ông Phạm Trung Việt ở Bình Sơn đã biến vùng đất đồi cằn cỗi thành trang trại thu nhập tiền tỉ.
Nội dung
- Hỗ trợ ngư dân vùng cá chết chuyển đổi nghề.
- Giải pháp liên kết sản xuất kinh doanh nông sản sạch tại Hà Nội.
Quá trình khai hoang trồng rừng.
Theo chân ông Việt, chúng tôi có cơ hội thăm mô hình kinh tế trang trại nông nghiệp rộng 50ha của ông. Nhìn rừng keo bạt ngàn, xa ngút tầm mắt, tôi thật sự ngưỡng mộ và khâm phục cách nghĩ, cách làm của một nông dân như ông Việt.
Trang trại của ông Việt.
Cách đây 30 năm, lúc mà phong trào trồng rừng nguyên liệu còn khá xa lạ với bà con nông dân, thì ông Việt đã nghĩ đến mô hình kinh tế rừng. Từ những ý nghĩ ấy, ông quyết định lên vùng đồi núi ở thôn Nhơn Hòa 2 để khai hoang trồng rừng. Khi đã có đất “sạch”, năm 1992, ông Việt đầu tư hơn 120 triệu đồng mua cây giống về trồng. “Lúc đó, ai cũng bảo tôi khùng, tự nhiên đem tiền bỏ lên núi. Vì với số tiền này tôi có thể mua được 5 lô đất đẹp ở thị xã Quảng Ngãi (nay là TP. Quảng Ngãi)”, ông Việt chia sẻ.
Song song với việc khai hoang trồng rừng, ông Việt còn tự mình mở một công ty chuyên khai thác và mua bán các sản phẩm từ rừng. Từ đây, ông có cơ hội đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm trồng rừng sao cho hiệu quả. Vừa trồng rừng, vừa kinh doanh, cuộc sống gia đình ông ngày một ổn định. Nhưng rồi niềm đam mê trồng rừng lại tiếp tục thôi thúc, nên ông Việt quyết định giải thể công ty ở TP.Quảng Ngãi, quay trở về Bình Tân mua thêm đất để trồng rừng.
Nhìn hàng chục hécta rừng đã phủ xanh trên khắp gò đồi đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, niềm vui “hái quả ngọt” như được nhân lên gấp bội. Thế nhưng, mọi thứ bỗng chốc tan biến khi cơn bão năm 2009 quét qua, làm ngã đổ, gãy toàn bộ rừng nguyên liệu, gây thiệt hại trên 3 tỷ đồng.
Khôi phục kinh tế sau bão.
Nhìn khối tài sản “cuốn theo gió”, ông Việt như người mất hồn. Cứ ngỡ sau thiệt hại quá lớn này ông Việt sẽ từ giã nghề trồng rừng. Tuy nhiên, người đàn ông sắp bước sang tuổi lục tuần này luôn giữ một niềm tin “biến rừng thành vàng”. Song, để khôi phục lại hơn 40ha rừng cần phải có một nguồn vốn lớn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Việt đã mạnh dạn đến ngân hàng vay hơn 1 tỷ đồng để tiếp tục trồng rừng. Sáu năm sau bão, thay vào đống đổ nát, giờ là những rẫy keo bạt ngàn, là trang trại nuôi heo, bò và ruộng mía xanh mướt.
Nông dân đang thu hoạch dưa.
Hiện ông Việt đang hướng đến mô hình trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế (FSC). Tuy nhiên, trước mắt ông chỉ trồng thử nghiệm khoảng 10ha. Tất cả các rừng keo đều được chăm sóc kỹ lưỡng, bón phân, tỉa cành theo từng chu kỳ. Đồng thời, ông thuê xe mở đường đi trong rẫy keo, tạo thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển.
Theo ông Việt, trồng rừng theo tiểu chuẩn quốc tế tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, phải trồng thưa và để 10 năm mới thu hoạch. Vì vậy, chỉ cần có một cơn bão mạnh quét qua thì, coi như mất trắng. Còn trồng rừng dày theo tập quán lâu nay của người dân tuy chất lượng, cũng như năng suất gỗ không đạt, nhưng khi gặp bão còn cứu vớt được.
“Người không chịu đất thì đất phải chịu người”.
“Người không chịu đất thì đất phải chịu người”, những giọt mồ hôi mặn chát lại được đền đáp xứng đáng. Năm 2015, ông Việt bán 25ha keo, thu về 2,2 tỷ đồng. Sau khi trả nợ ngân hàng, ông còn dư được vài trăm triệu. Tiếp tục lấy ngắn nuôi dài, ông Việt lại đầu tư mua cây, con giống phát triển mô hình kinh tế trang trại.
Đúc rút kinh nghiệm từ nhiều năm trồng rừng, ông Việt cho biết: “Chỉ nên trồng từ 2.500- 3.000 cây/ha. Cách làm này sẽ giảm nhân công, chi phí cây giống, phân bón… Phương pháp trồng rừng này, sau 5 năm sẽ cho thu hoạch 100 tấn/ha thay vì trồng rừng dày từ 6.000- 7.000 cây/ha, nhưng chỉ thu được khoảng 80 tấn/ha”.
Không chỉ trồng rừng, ông Việt còn đầu tư xây dựng chuồng trại và thả nuôi 1.000 con heo, 12 con bò; đồng thời thuê xe máy đào, máy xúc cải tạo hơn 1ha đất đồi thành đất nông nghiệp bằng phẳng, màu mỡ. Hiện ông đang nuôi heo lứa thứ tư, trung bình 6 tháng/lứa, thu nhập khoảng 300 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 8- 12 lao động tại địa phương.
Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng phương án sản xuất nông nghiệp hiệu quả, và quan trọng là lòng say mê với nghiệp nhà nông, cùng đức tính cần cù, ham học hỏi, ông Việt đã trở thành tỷ phú trên vùng đất cằn Bình Tân.
Theo Danviet.