Khó khăn lớn nhất khi trồng khoai lang mà bà con nông dân Bình Tân nói riêng và toàn tỉnh Vĩnh Long nói chung đang gặp phải là vấn đề giá cả và đầu ra không ổn định.
Mô hình trồng giống khoai lang HL491 tại Vĩnh Long
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN- PTNT, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) đã phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương “Phát triển sản xuất một số giống khoai lang lấy củ năng suất cao, chất lượng tốt ở vùng trồng khoai lang trọng điểm”.
Từ năm 2015 – 2016 dự án đã được triển khai trên 40ha tại các xã Thành Đông, Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long.
Mục tiêu nhằm phát triển các giống khoai lang lấy củ cho năng suất cao và chất lượng tốt nhằm phát triển sản xuất bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời nâng cao khả năng tiếp nhận và áp dụng đồng bộ kỹ thuật trồng khoai lang lấy củ cho người dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, khoai lang là cây trồng có lợi thế lớn trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Giống khoai lang HL491 thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng, cho năng suất cao, ổn định. Dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng khoai lang của tỉnh đạt 12.500ha, trong đó tập chung chủ yếu là giống HL491 (tím Nhật).
Trong điều kiện sản xuất của vụ hè thu 2016 cho thấy năng suất củ đạt 25 – 30 tấn/ha, trong đó khoai loại 1 (khối lượng 100gram trở lên) chiếm 70%, khoai loại 2 (khối lượng nhỏ hơn 100gram) chiếm 30%.
Với giá bán cho thương lái dao động từ 9.000 – 11.000 đồng/kg củ tươi thì tổng thu trong mô hình đạt 286.000.000 đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lợi nhuận 221.970.000 đ, so với đối chứng (ngoài mô hình) lợi nhuận tăng thêm 59.000.000 đồng/ha/vụ.
Tỷ suất lợi nhuận trung bình trong mô hình trồng khoai lang HL491 tại Bình Tân là 4,46. Điều này có nghĩa là khi áp dụng quy trình kỹ thuật và trồng giống khoai lang như vụ hè thu năm 2016 với 1 đồng chi phí hộ nông dân sẽ thu được 4,46 đồng lãi. Đây là chỉ số thuyết phục khi đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi sản xuất khoai lang tại Bình Tân nói riêng và cả tỉnh Vĩnh Long nói chung đang gặp phải là vấn đề giá cả và đầu ra không ổn định.
Tuy nhiên Vĩnh Long đã ban hành danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 – 2020 trong đó có dự án Xây dựng nhà máy tinh bột khoai lang với công suất 10.000 tấn tinh bột/năm. Địa điểm đầu tư tại KCN Bình Minh hoặc huyện Bình Tân.
Đây sẽ là tín hiệu vui cho người trồng khoai lang để phát triển bền vững hơn.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.