Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về phát triển nông nghiệp nhiệt đới với điều kiện sinh thái đa dạng, số giờ nắng nhiều, nguồn nước dồi dào.
Nội dung
- Đề án thí điểm tích tụ đất đai đầu tư vào nông nghiệp tại Hà Nam và Thái Bình
- Năm 2019: Việt Nam nên mở cuộc thi gạo ngon không?
- Chuyên gia Nhật “bắt tay” tăng giá trị nông nghiệp Việt Nam
Những tiềm năng – cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam trong năm 2019
Ngày 30/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” tại Lâm Đồng. Bộ NN&PTNT đã đưa ra những nhận định về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Những tiềm năng – cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam trong năm 2019
Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam đạt mức trung bình 3,5%/năm trong giai đoạn 1986 – 2019. Năng suất lúa gạo cao nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ. Năng suất cà phê đạt 2,6 tấn nhân xô/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia. Năng suất hồ tiêu đạt 2,6 tấn/ha, gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ. Năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, có ao nuôi đạt 300-400 tấn/ha, cao nhất thế giới.Năng suất tôm sú đạt 0,45 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng đạt 3.91 tấn/ha, cao hơn so với Ấn Độ (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,5 tấn/ha) và Thái Lan (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,6 tấn/ha).
Trong khi đó, do quá trình tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số và đô thị hóa, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong nước tăng lên rõ rệt đối với hầu hết các nông sản, từ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như lúa gạo, rau quả, thịt lợn đến các sản phẩm có giá trị cao hơn như thịt bò, thủy sản và cả các sản phẩm cao cấp như đồ gỗ nội thất, hoa, cây cảnh, rau quả hữu cơ, dược liệu, sữa… Giai đoạn 2011-2019, thị trường thực phẩm của Việt Nam ngày càng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất (15,4%/năm) so với các nước trong khu vực ASEAN (tăng ở mức dưới 10%/năm). Từ nay đến năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là các sản phẩm chế biến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển theo 3 trục sản phẩm chính
Phát triển theo 3 trục sản phẩm chính
Bộ NN&PTNT xác định các ưu tiên phát triển ngành theo 3 trục sản phẩm chính.
Đối với các sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; ngành hàng có quy mô thị trường nội địa lớn như thịt lợn, thịt gia cầm sẽ ưu tiên thu hút đầu tư của DN quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi giá trị đồng bộ. Tập trung thu hút đầu tư vào các cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn của các DN, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (gồm trung tâm nghiên cứu khoa học công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic) và các vệ tinh gồm các khu/cụm công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cấp tỉnh.
Chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (như các sản phẩm đủ lớn có tổng giá trị xuất khẩu từ 500 triệu USD/năm) sẽ kêu gọi đầu tư từ DN vừa và nhỏ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Chuỗi giá trị đặc sản địa phương được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” là lĩnh vực hoạt động của DN quy mô cực nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đối với các mặt hàng đặc sản của địa phương.
Bộ NN&PTNT xác định ưu tiên các DN đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào phát triển vùng sản xuất tập trung trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, chế phẩm sinh học, thuốc thú y chăn nuôi và thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.
Các DN cũng được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu, tinh chế muối; sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm; công nghệ giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp; sản xuất hàng thủ công; sản phẩm văn hóa, dân tộc truyền thống.
Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề; Đầu tư hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Trong thời gian tới, DN nông nghiệp được coi là lực lượng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển kinh tế – xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai; khuyến khích mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật nông nghiệp…
Nguồn: nongnghiepvietnam.edu.vn